×
SMART INVESTORS

Trang Chủ
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG
BÁO CÁO PHÂN TÍCH
DANH MỤC ĐẦU TƯ
KIẾN THỨC ĐẦU TƯ
Liên Hệ

Báo cáo tài chính năm có nhiều điểm ngoại trừ sẽ không được chia cổ tức
Cập nhật ngày: 2019-05-06 16:36:06 | Lượt Xem:1468

Khi báo cáo tài chính (BCTC) năm của một công ty có nhiều điểm mà kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận thực tế, thì công ty đó có được thực hiện chia cổ tức hay không?

Trả lời: 

Theo Điểm 39, Chuẩn mực số 700 - Báo cáo kiểm toán về BCTC (ban hành kèm theo Quyết định số 120/1999/QĐ-BTC ngày 27/9/1999) thì trong trường hợp này, BCTC của công ty đã không phản ánh trung thực và hợp lý các khía cạnh trọng yếu tình hình tài chính của Công ty. Nếu các điểm ngoại trừ được phản ánh chính xác trong BCTC thì cán cân lỗ - lãi cho năm tài chính có thể bị thay đổi.

Khoản 2 Điều 93 Luật Doanh nghiệp quy định, CTCP chỉ được trả cổ tức khi đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

Để xác định tình hình tài chính của công ty, từ đó xác định công ty có lợi nhuận ròng hay không thì phải dựa vào BCTC. Nếu BCTC của công ty không phản ánh trung thực và có nhiều điểm ngoại trừ, ảnh hưởng đến lợi nhuận thực tế, thì việc dựa vào BCTC có điểm ngoại trừ để xác định tình hình lợi nhuận của công ty là không chính xác.

Vì vậy, công ty cần phải đánh giá các điểm ngoại trừ để xác định chính xác tình hình tài chính của công ty. Công ty chỉ được phép thực hiện việc chia cổ tức nếu tuân thủ đúng quy định tại khoản 2 Điều 93 Luật Doanh nghiệp. Trong trường hợp việc chia cổ tức không tuân thủ đúng quy định này thì các cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì cổ đông đó và tất cả thành viên HĐQT phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại theo quy định tại Điều 94 Luật Doanh nghiệp.

Riêng đối với công ty đại chúng, nếu ĐHCĐ vẫn biểu quyết việc chia cổ tức thì Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có quyền can thiệp theo các quy định trong Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn. Công văn số 2057/UBCK-QLPH do UBCK ban hành ngày 10/10/2008 và Công văn số 13/UBCK-QLPH do UBCK ban hành ngày 6/1/2009 gửi các công ty đại chúng quy định rằng, BCTC được kiểm toán phải phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình tài chính của công ty, hạn chế tối đa những khoản ngoại trừ. Trường hợp có những khoản ngoại trừ, công ty và công ty kiểm toán phải có giải trình nêu rõ nguyên nhân, đánh giá mức độ ảnh hưởng và phương hướng khắc phục. Trong trường hợp công ty công bố BCTC sai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)




Bài Viết Liên Quan